Saturday, October 19, 2013

GHEN HẬN

GHEN HẬN

October 19, 2013 at 10:20am

Ngôi làng nhỏ ấy không xa Tổng Y Viện Duy Tân là mấy. Trong làng, đường sá quang đãng, nhà nào cũng có bờ dậu, hàng cây xanh trước ngõ, mái nhà  thấp thoáng phía sau. Đa phần nhà trong làng được lợp tranh. Một số nhà khá giả được xây gạch hoặc táp lô, có nhà lợp ngói có nhà theo phong trào mới lợp tôn. Từ làng đi theo con đường đất với hai hàng tre xanh chừng hai cây số là ra đường Hoàng Diệu, đường Trưng Nữ Vương, chợ Hòa Thuận, rồi hòa vào phố thị đông đúc của Đà Nẵng lúc ấy.

Ở cuối làng có thể đi băng qua mấy đám cỏ tranh, mấy bụi cỏ é lúp xúp đến cổng sau của bệnh viện. Giữa đám đất hoang ấy vẫn còn lại cái lô cốt từ thời Pháp. Bọn trẻ trong làng thường được nghe người lớn dặn rằng , trong cái lô cốt đó có " ông tiêm la", ông chuyên môn ở truồng nên chớ có ra đó mà bị lây bệnh.

Cạnh rìa làng có một đường ray xe lửa, chạy tới đường Ông Ích Khiêm đoạn gần chợ Cồn.Thường vào buổi chiều vẫn có đoàn tàu chở hàng băng ngang. Bọn con nít chơi nghịch thường hay bỏ những viên đá bằng nắm tay hoặc những nắp chai bia lên trên đường ray. Chờ đoàn tàu đi qua xong, tranh nhau chạy tới nhìn những viên đá bị nghiền nát, những chiếc nắp bia dẹp lép một cách khoái chí.


Từ dạo Mỹ vô Đà Nẵng, từng hàng xe GMC chở sắt thép, ván ép, thực phẩm chạy dài trên đường Trưng Nữ Vương. Đoàn xe ấy chạy từ cảng sông Hàn lên tới khu căn cứ quân sự Mỹ cũng khá gần bệnh viện. Trong khu căn cứ quân sự ấy có cả sân bay. Đám thanh niên mới lớn trong làng cứ chờ đoàn xe chạy chầm chậm vì nghẽn đường là nhảy lên xe khuân những thùng đồ hộp vứt xuống. Những thanh niên khác dưới đường chờ sẵn vác chạy vào những đường hẽm quanh co trong làng. Thời gian đầu mấy người lính Mỹ trên xe chưng hửng, luống cuống không biết làm sao. Nhưng một thời gian sau thì mỗi xe đều có 1 tay quân cảnh Mỹ và khẩu súng lắm lăm trên tay. Nếu anh chàng nào liều lĩnh nhào lên là bị bắn dọa sau đó họ rượt vào tận làng.
Chiến tranh leo thang, nhiều người dân từ thôn quê vô thành phố sinh sống. Một xóm nhỏ hình thành bên ven đường xe lửa, gọi là xóm đường tàu. Xóm nhỏ độ chừng vài chục nóc nhà, đường đi lại rất hẹp. Hầu như nhà nào cũng chỉ đủ cất gian nhà năm bảy, tường phên, cột tre, mái tôn. Nhà có tiền thì ốp trần thêm lớp ván ép Mỹ cho khỏi nóng.Đi vào xóm đó thì như lạc vào mê cung hỗn độn. Dân trong xóm gồm từ quê Quảng Nam ra, dân Bắc di cư, dân từ Huế, Quảng Trị vào..
Trong xóm đường tàu, khá giả nhất là nhà hai mẹ con bà Bắc. Mọi người gọi vậy vì bà mẹ nói giọng Bắc di cư. Bà Bắc mở một cái quán nhỏ bán bút, giấy, kẹo, bánh cho bọn học trò. Từ khi có quán ấy, bọn nhóc trong làng tốn tiền quà nhiều hơn nhưng có cái tiện khi cần khỏi phải đi xa ra phố thị.
Con gái bà Bắc tuổi chừng đôi tám, suốt ngày cặm cụi bên chiếc máy may. Cô gái có khuôn mặt bầu bĩnh, làn da nâu và mái tóc mây thường được buộc bằng một dải vải nhung đen. Trong làng, mấy bà nội trợ rất thích quán may nhỏ ấy. Vì từ khi có cô thợ may, mấy bà khỏi rồng rắn dắt díu tụi nhỏ hàng cây số để ra chợ. Họ cũng khoái vì cô may mấy quần mỹ á rất cẩn thận:bao giờ cũng may hai lượt, cô khéo dấu xơ vải vào trong, đường may lại mềm mại, mặc rất thoải mái và nhất là khó bị tét đáy.

Cuộc sống có vẻ khấm khá nhiều hơn từ khi có mặt lính Mỹ, người ta may mặc nhiều hơn vì nhiều người có tiền rủng rỉnh. Họ nhận công việc giặt thuê áo quần, làm lao công quét dọn, nhận thầu nước mả với những thùng tổ bố đầy thức ăn thừa sau một ngày. Trước khi đem bán lại nước mả cho dân trong làng đem về nuôi heo, những người thầu mang găng tay khua khoắng lại, có thể là một súc thịt còn nguyên, có thể là nửa con gà, có thể là mấy lon đồ hộp..

Quán bà Bắc cũng tấp nập và giàu hơn thấy rõ. Người ta thấy có một anh lính trẻ làm việc trong bệnh viện chiều nào cũng tới quán. Có khi tới tối vẫn còn thấy bóng anh lính trẻ cùng cô thợ may thấp thoáng bên ngọn đèn dầu. Bà Bắc dạo ấy cũng đỏm dáng hơn, áo quần là lượt, mắt cười lúng liếng. Người ta suýt soa, hai mẹ con bà ấy giỏi quá! Từ xa xôi vào đây, chịu khó làm lụng mà tạo được cơ ngơi vững vàng. Người ta chúc bà gặp được rể thảo, hai đứa nhỏ đẹp đôi, bà cười đáp lễ ra chiều thật hả hê hạnh phúc.

Một ngày nọ, nhà bà Bắc giăng đèn kết hoa rực rỡ, tiếng nhạc xập xình. Người trong làng đi ngang đều tấm tắc khen mừng cho cô thợ may đã nên duyên phận. Trong làng không thấy ai được mời ra ăn cưới ở cái xóm ven đường tàu ấy. Chỉ có một số bà con xung quanh xóm, họ hàng nhà bà Bắc và có vài người lính trong bệnh viện đại diện cho họ nhà trai. Nghe chừng họ hàng nhà chú rễ còn ở cả ngoài kia, chỉ có chú phiêu bạt vào đây thôi.
Bọn con nít tuy không được mời nhưng hiếu kỳ xúm đen xúm đỏ trước hiên, cố gắng đu bậu cửa sổ để chờ đợi được nhìn giờ phút cô dâu ra mắt. Và rồi cô dâu cũng xuất hiện với chiếc khăn trên đầu, chiếc áo dài cặp mỏng hai màu hồng xanh, chiếc vòng kiềng thật to sáng lấp lánh..Người ta nghe tiếng con nít ố lên: " Ủa! Bà Bắc là cô dâu tụi bay ơi!".

Trong căn nhà nhỏ, chú rể mặt sượng sùng đứng cạnh cô dâu đang cười rạng rỡ. Còn cô thợ may nhỏ, đang thẫn thờ vịn tay ở cánh cửa hông. Tiếng pháo nổ dòn chát chúa..Bọn con nít xúm lại lượm mấy chiếc pháo tịt, pháo rơi. Chúng chạy đi vào vào làng, tay cầm pháo miệng la toáng: "Bà Bắc là cô dâu !Bà Bắc lấy chồng của con!"
Mấy bà trong làng dỏng tai nghe rồi chặc lưỡi: " Tụi bay được cái nói tầm phào! Không được nói bậy nghe!"

Đám cưới được chừng một tháng. Anh lính trẻ bây giờ đã có nơi ăn, nơi ngủ sau những giờ làm việc trong bệnh viện. Cô thợ may vẫn ngồi bên bàn may cặm cụi. Hình như dạo này cô cặm cụi nhiều hơn, đầu cúi xuống thấp hơn. Chỉ có bà mẹ là hơn hớn cười nói. Nghe bà ấy nói đã có thai được ba tháng...

Một buổi tối, cả làng hốt hoảng khi nhìn thấy ngọn lửa hừng hực bốc cao trong không trung. Tiếng phên tre cháy nổ lốp bốp. Những tàn lửa bay tung tóe. Hơi nóng rừng rực. Người ta gọi nhau í ới: "Cháy ở xóm đường tàu! cháy ở xóm đường tàu!" Tiếng phèng la, tiếng trống, tiếng chân chạy rầm rập kèm theo tiếng kêu la than khóc ....
Đàn ông trong làng đi múc nước rồi gánh chạy ra đường tàu. Đàn bà đánh thức con cái đang ngủ , cùng nhau chuẩn bị lọc lựa gói ghém áo quần quý giá đem ra bỏ trước sân, đồ gỗ cũng được khuân ra..Nhà nhà, mấy mẹ con ai cũng chuẩn bị nước tạt ướt mái tranh phòng tro nóng bay đến..

Đến rạng sáng thì đám cháy cũng đã được dập tắt nhờ sự tiếp cứu kịp thời của lính cứu hỏa. Cả xóm đường tàu  trở thành hoang tàn. Những tấm tôn đen đúa quăn queo trên những nền nhà trơ trọi nứt nẻ. Mùi khét lẹt vẫn lan ra khắp làng. Không có ai chết nhưng nhà cửa thì mất sạch chẳng còn gì.

Bọn con nít mon men  tới nền nhà bà Bắc, lượm những đồng bạc cắc đen nhẻm vẫn còn vương sót cùng với mấy cái compa cháy đen thui.

Dân xóm đường tàu nói rằng, đám cháy bắt đầu từ nhà bà Bắc. Mà sao họ không thấy cô thợ may ! Anh lính trẻ thì nghe nói mắc trực đêm trong bệnh viện. Chỉ có bà Bắc chạy lăng xăng, đưa hai tay lên đầu khóc lóc than trời.

Sau trận hỏa hoạn ấy, ít người trụ lại nơi xóm cũ. Bà Bắc có về ít hôm rồi bỏ đi đâu không rõ, còn cô thợ may thì tuyệt nhiên không bao giờ xuất hiện nữa. Người ta cũng chẳng nhắc gì nữa đến chuyện anh lính trẻ..

No comments:

Post a Comment