Thursday, October 31, 2013

GIÓ THOẢNG MÂY BAY

November 1, 2013 at 9:16am
Vào đầu năm lớp đệ ngũ, cả lớp trố mắt tròn xoe khi thấy Cẩm Châu vào lớp với chiếc áo dài nhà tập. Sau giờ học, Cẩm Châu cùng với các chị đệ tử đi về dãy lầu dành riêng cho người tập tu chứ không còn đi cùng bạn bè ra cổng trường.

Thường khi, các chị tập tu dù giữ thái độ nghiêm trang, điềm đạm và kín đáo hơn đám học trò ngoại trú nhưng vẫn luôn toát lên sự lạc quan đầy tin yêu và hồn nhiên. Cuộc sống tu hành có phần nghiêm nhặt,  ở cầu thang lên xuống các  lớp học đều có treo những tấm bảng con: " Giữ yên lặng nếu có thể ", " đi nhẹ nói khẽ". Giờ ra chơi các chị không được chạy nhảy lung tung ngoài sân như mấy cô học ngoại trú, không la nghịch ồn ào, không có những biểu hiện rõ nét của tuổi học trò choai choai mới lớn: "nhất quỷ, nhì ma thứ ba học trò".
Bạn bè vẫn không ngớt bàn tán xôn xao, sao Cẩm Châu đi tu mà không có vẻ vui tươi? Nhìn mặt Cẩm Châu u trầm quá.

Trong trường có vài học sinh lai Tây, Jacqueline lai trắng từ Ban Mê thuột xuống,  ở nội trú mang vẻ đẹp đằm thắm hoang sơ; Monique ở trong nhà các Soeur từ bé, người đen nhẻm; Marie cũng ở trong nhà Dòng, có khuôn mặt rất thanh tú với mái tóc xoăn màu hung. Agnes ngoại trú với thân hình cao lớn, da hơi ngăm, tóc xoăn sát da đầu, nghe nói lai người Espagnol. Agnes tính tình hung bạo, sẵn sàng đánh lộn với những ai nhìn nó chằm chằm và có ý bàn tán về sự khác biệt của nó. Hai người nữa cũng ở ngoại trú là Cẩm Châu và Sự. Hai đứa như là hai thái cực: Cẩm Châu giàu sang, xinh đẹp, ngoan hiền còn Sự thì luôn luôn đến lớp với bộ dạng ngơ ngác, nhếch nhác, với gương mặt còm nhom, lầm lì và bất cần đời.
 Đến giờ ra chơi, đám học sinh hay tụ tập chơi lò cò, nhảy dây, trốn tìm, đánh thẻ chuyền, bịt mắt bắt dê. Những vạt áo dài được gấp lên lưng quần hoặc cột lại. Hoặc có khi rủ nhau chạy ù ra tiệm kem Diệp Hải Dung mua mấy cây kem que thật ngon: kem đậu xanh, kem sữa, kem sầu riêng, kem dừa, kem chocolat.... Thường thì mua kem về rất hay bị trễ học nên các soeur cấm không cho mua kem vào giờ ra chơi nữa. Nhưng có thể chạynhanh ra góc đường Yên Bái và chợ Vườn hoa mua bánh mì gà. Những chiếc bánh mì tròn chỉ bằng nắm tay, dòn tan, phết mayonaise, những cọng rau ngò, dưa leo xắt mỏng, những miếng thịt gà xé, rắc chút muối tiêu ..thật là ngon!
Các học sinh Tây lai ít khi tham gia trò chơi chung, chỉ hay đi lại vẩn vơ trong sân hoặc đứng dựa tường trầm ngâm. Cẩm Châu cũng thế, tuy cũng có đôi khi cùng chơi trốn tìm, chơi bịt mắt bắt dê với các bạn trong lớp.
Nhà Cẩm Châu không xa trường là mấy. Hàng ngày một chị vú cùng đi bộ với Cẩm Châu đến trường, tới giờ tan học lại đón về. Có lẽ Cẩm Châu lớn hơn các bạn trong lớp vài tuổi. Làn da trắng hồng, mái tóc vàng với đôi mắt xanh dưới hàng mi cong vút. Bạn bè trong lớp thường trầm trồ khi nhìn Cẩm Châu bước vào lớp học.
Bây giờ nhìn Cẩm Châu trong chiếc áo tập tu thật lạ lùng quá đỗi. Thỉnh thoảng mẹ Cẩm Châu đến trường thăm. Mấy đứa kháo nhau, ý nguyện đi tu là của Cẩm Châu, mẹ Cẩm Châu không muốn thế.

Năm lớp đệ ngũ rồi cũng nhẹ nhàng trôi qua với sự trầm buồn kín đáo của Cẩm Châu.

Sau hè lớp đệ ngũ, mọi người hết sức ngạc nhiên khi thấy Cẩm Châu đến lớp không còn với chiếc áo tập tu nữa mà thay vào đó là chiếc áo lụa trắng may vừa sát eo. Nhìn Cẩm Châu rạng rỡ, đôi mắt sáng và nụ cười tươi tắn. Chưa bao giờ thấy Cẩm Châu đẹp như thế.

...

Cẩm Châu chống cằm nhìn qua cửa sổ, đôi mắt mông lung..Một khuôn mặt rắn rỏi, có phần nghiêm nghị vừa thoáng qua trong đầu cô, chiếc mũ ca lô đen, bộ quân phục đen bó sát gọn gàng, chiếc khăn tím ở cổ. Tất cả những gì ở anh ấy đã mang đến cho cô một cảm giác an toàn, được che chở và êm ái.
" Giờ này chắc anh ấy đang trên đường bay", cô nghĩ thầm. Một cái gì đó nghẹn ngào ùa đến, những giọt nước mắt lăn dài trên má.
Cẩm Châu gấp tập vở lại, nhớ những lời mẹ nói hôm qua:
" Không bao giờ mẹ cho con lấy anh ấy. Thời buổi chiến tranh, mạng sống tính từng ngày từng giờ. Anh ấy lại phải bay chiến đấu, nhỡ như có làm sao thì con của mẹ góa bụa, mẹ làm sao đành lòng. Mẹ chỉ có mỗi một mình con. Cuộc đời mẹ đã quá đủ đau thương. Mẹ không muốn con phải khổ như mẹ. Mẹ muốn con sống sung sướng, giàu có và hạnh phúc".
Cẩm Châu nhớ lại lần đầu tiên gặp anh ấy tại quán rượu của mẹ. Trong một lần cô phải làm việc thay cho cô tiếp viên nghỉ bất thình lình. Đôi mắt ấy đã nhìn cô khiến cô bối rối. Rồi từ đó, thỉnh thoảng cô nhận được những lá thư từ tay cô bé giúp việc. Mẹ bắt gặp và buộc cô không được quen người ấy nữa. Cô buồn lắm và hứa với mẹ rằng sẽ quên nên xin mẹ cho vào sống trong nhà tu. Cô bảo chỉ có thể sống trong nhà tu thì hy vọng cô mới không có cơ hội gặp lại và mới có thể quên. Mẹ cô đành chiều lòng cô.
Sau 1 năm, mẹ cô đã đề nghị cô trở về. Theo bà, chốn tu hành không phù hợp với cô.

Bây giờ bà đã mua cho cô một căn biệt thự riêng ở đường Gia Long, có xe đưa đón cô đi học. Căn nhà cũ vẫn là nơi quán rượu của mẹ cô được sửa sang và mở rộng hơn cho tiện việc kinh doanh.
Năm học đệ tứ mới bắt đầu được một tháng, cô và anh ấy có dịp gặp nhau đều đặn hơn vì mẹ bận kinh doanh  quán rượu dành cho lính Mỹ ở căn nhà cũ. Nhưng hôm qua mẹ cô bất chợt về nhà đã bắt gặp anh ấy đang nói chuyện với cô ở phòng khách. Đợi anh ấy về, mẹ cô đã mắng cô một trận ra trò và mẹ buộc cô phải tuyệt giao.

Cẩm Châu biết rằng mẹ đang muốn cô lấy con trai của 1 ông chủ một cơ sở kinh doanh bia rượu giàu có. Cô cảm thấy thật sự chán chường mệt mỏi.

Cô mường tượng lại những ngày khó khăn ban đầu khi mẹ cô từ một cô đầu ở phố Khâm thiên, xuống Hải Phòng, lênh đênh trên biển để vào mảnh đất này. Ba cô trước khi về Pháp cũng có để lại cho mẹ cô một ít vốn liếng. Nhờ đó mẹ cô mới có tiền mua một căn nhà nhỏ ngay ở con con đường yên tĩnh và khá đẹp của thành phố này.

Cẩm Châu gọi người giúp việc bảo rằng, cô đau đầu và buồn ngủ lắm, xin đừng gọi cô dậy ăn tối. Khi nào thức dậy cô sẽ xuống ăn.
Đợi người giúp việc đi ra và cửa đã được khép lại, cô xếp chồng sách vở trên bàn thật ngay ngắn và bỏ 2 bức thư vào dưới trang bìa của quyển sổ trên cùng. Cô cầm ly nước, chậm rãi uống những viên thuốc cầm trong tay rồi cô nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ.

Trong giấc ngủ mơ màng, cô mường tượng cảnh cô mặc chiếc áo đầm voan màu hồng nhạt, đầu cột cao buộc nơ trắng theo kiểu " queue cheval" cầm tay mẹ tung tăng đến nhà thờ.....

Sáng hôm đó cả lớp ngạc nhiên khi soeur phụ trách thông báo nghỉ học. Nhưng soeur yêu cầu trước khi ra về, mọi người ngồi yên trong lớp để nghe soeur hiệu trưởng nói chuyện.

Bắt đầu câu chuyện soeur hiệu trưởng nói:
" Các con! Hôm nay, soeur muốn nói với các con về sự quý giá của mạng sống. Các con biết rằng Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống. Chúng con là sự kết thành do tình yêu của cha mẹ các con. Từ giọt máu ban đầu hình thành, cho đến khi các con khôn lớn cha mẹ chúng con phải trải qua bao gian truân vất vả. Khi con đau yếu cha mẹ phải săn sóc. Khi con đói cha mẹ phải lo cho con ăn. Khi con khát cha mẹ lo cho con uống. Rồi con càng lớn, thì cha mẹ càng phải lao động vất vả để có thể kiếm tiền nuôi các con nào tiền học phí, tiền may mặc, tiền nhà...v..v.. Do đó các con thấy trong ca dao cũng đã nói:
" Công cha như núi Thái Sơn
  Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra"
Vì thế các con phải biết quý trọng cha mẹ, phải biết vâng lời cha mẹ và phải biết quý trọng mạng sống của bản thân mình. Không có cha mẹ nào lại muốn điều xấu cho con cái cả. Nếu như ý của cha mẹ có khác với ý của chúng con thì soeur khuyên chúng con hãy lắng nghe, hãy tập đức vâng lời. Đức vâng lời rất là cần thiết cho các con. Nếu các con không bằng lòng với ý của cha mẹ thì hãy từ tốn, nhỏ nhẹ nói ý của mình cho cha mẹ hiểu. Nếu cuối cùng cha mẹ vẫn không hiểu thì chúng con phải chọn thái độ hy sinh. Chúng con hy sinh ham muốn của chúng con để cho cha mẹ vui lòng. Đó cũng là thể hiện một thái độ hiếu thảo với cha mẹ. Soeur nhắc lại cho chúng con là, không có cha mẹ nào mà không thương yêu con cái của mình. Vì vậy con chớ có tự hủy hoại thân xác của mình. Hành động như thế, con đã phạm đến Chúa, con đã gây nên một nỗi oan khiên cho cha mẹ."

Cả lớp như ngơ ngác vì bài giảng giáo lý đầy bất ngờ vào sáng hôm đó. Vì theo lịch, chiều thứ sau hàng tuần mới có giờ giáo lý và sau đó tất cả vào nhà nguyện cầu kinh. Mấy đứa thì thào hỏi nhau:
- " Có chuyện gì vậy?"
Soeur Hiệu trưởng thở hắt ra, hắng giọng:
- " Các con yên lặng, soeur muốn báo với chúng con một tin buồn".
Cả lớp căng thẳng hồi hộp và yên lặng trở lại sau câu nói của soeur.
Gương mặt soeur trở nên buồn bã, nghẹn ngào:
- " Soeur muốn báo tin cho các con biết, Cẩm Châu bạn học của các con đã ra đi vào tối hôm qua. Bây giờ chúng ta hãy đứng dậy đọc kinh cầu nguyện cho bạn. Sau đó soeur và một số soeur nữa đến thăm gia đình Cẩm Châu. Còn chúng con hãy đi về nhà, chớ có đi lang thang ngoài phố. Em nào chờ đợi xe tới đón thì ở yên trong lớp, lấy vở ôn bài, tránh ồn ào để ảnh hưởng những lớp xung quanh. Soeur cũng nhắc các con là không nên đến nhà Cẩm Châu vào lúc này. Sự có mặt của các con có thể làm cho mẹ Cẩm Châu càng đau xót hơn."
Không gian cả lớp như lắng đọng và nghẹn ngào. Lớp học giải tán.

Dù đã được soeur hiệu trưởng nhắc nhở nhưng một số bạn bè vẫn tò mò đến nhà Cẩm Châu và kể lại rằng:
Cẩm Châu đã chết vì uống thuốc ngủ và thuốc sốt rét liều cao. Người Cẩm Châu tím ngắt, máu ứa ra từ mũi và khóe miệng. Mẹ Cẩm Châu đã khóc lóc rên xiết khôn nguôi.
Người yêu của Cẩm Châu có đến, mặt tái nhợt, bơ phờ. Bà mẹ nhất định không cho anh ấy tới gần xác của Cẩm Châu. Nhưng anh ấy đã khẩn thiết van xin và nhờ  có sự khuyên can của mọi người, cuối cùng anh ấy đã gục đầu bên xác Cẩm Châu, cầm tay cô và khóc nức nở. Người ta trao cho anh lá thư mà Cẩm Châu đã viết cho anh, trong đó có câu được trích ra từ Kinh Thánh: " Không có gì cao quí cho bằng hy sinh mạng sống vì người mình yêu".
Trong lá thư gửi cho mẹ, Cẩm Châu bày tỏ tràn đầy tình yêu thương, cảm mến và bứt rứt đã không vâng theo lời mẹ và xin mẹ hãy tha thứ.

Hai hôm sau, đám tang của Cẩm Châu được cử hành. Quan tài của cô đi qua trường chào từ biệt. Cả lớp được phép ra đứng bên đường để chào tiễn đưa. Dưới trời mưa bay lâm thâm, một người đàn ông cô độc đang thất thểu âm thầm bước từ phía xa sau.
Tiếng chuông nhà thờ gióng lên buồn bã. Quan tài cô không được phép mang vào nhà thờ thực hiện nghi lễ tiễn đưa theo luật định, vì cô đã phạm trọng tội: cô đã tự hủy hoại thân xác của mình.



No comments:

Post a Comment