Wednesday, January 22, 2014

GS.TS. Phạm Xuân Sinh - Tên thảo dược mang chữ mã (ngựa )


Nhân năm Giáp Ngọ sắp tới, theo cách lý giải về 12 con giáp của người phương Đông, là năm thuộc về sự ngự trị của con ngựa, có dịp bàn về “Những vị thuốc cổ truyền mang tên ngựa/mã”. Trong các dược liệu cổ truyền, hai khái niệm ngựa và mã thường được sử dụng để chỉ tên nhiều vị thuốc có giá trị, thậm chí là tên của nhiều họ cây thuốc. 
Xin giới thiệu một số cây thuốc, vị thuốc chính có liên quan đến hai khái niệm này.

Mã tiên thảo hay còn gọi là cỏ roi ngựa (Verbena officinalis L.), họ cỏ roi ngựa (Verbenaceae), trông hình dáng giống như cái roi ngựa. Vị thuốc là bộ phận trên mặt đất, thu hái lúc cây sắp ra hoa, phơi khô hoặc sấy khô, với liều 6 - 12g dùng trị các bệnh sốt rét, lỵ, ngứa lở hạ bộ, sưng đau tuyến vú, mụn nhọt, bế kinh, khí hư bạch đới.
Thảo dược mang tên ngựa
Cây mã tiên thảo.

Mã kế còn gọi là đại kế (Circus japonicus (DC.) Maxim), họ Cúc (Asteraceae), dùng toàn cây. Vị thuốc có vị ngọt, đắng, tính mát. Trị thổ huyết, máu cam, trĩ ra máu, tiểu tiện ra máu, băng huyết, chấn thương chảy máu. Khi dùng để cầm máu thường được sao đen. Trị băng huyết và kinh nguyệt quá nhiều: mã kế 20g, bồ hoàng 8g, cả hai vị này đều sao đen, táo 10 quả. Dùng dưới dạng nước sắc, ngày 1 thang. Uống liền 5 - 7 thang.

Mã xỉ hiện còn gọi là rau sam (Portulaca oleracea L.), họ Rau sam (Portulacaceae), mọc hoang hoặc được trồng để làm thuốc hoặc làm rau ăn. Có thể dùng tươi hoặc khô để trị lỵ trực khuẩn, giun kim, dưới dạng nước sắc 15 - 20g ngày. Dùng ngoài, trị ngứa lở, nước ăn chân, lấy cây tươi rửa sạch, giã nát, chấm vào chỗ bị bệnh, ngày 1 - 2 lần sau khi đã rửa sạch chỗ bị bệnh và lau khô.

  Cây mã đề.
Cây mã đề.
Mã đề còn gọi là Xa tiền thảo (Plantago major L.), họ Mã đề (Plantaginaceae). Hai chữ mã đề là ám chỉ “móng chân của con ngựa”.
Mã đề cho nhiều vị thuốc hay, toàn cây có tác dụng lợi tiểu, lợi mật, chống viêm loét, trừ đờm, chống ho, chống lỵ... Dùng trị bí tiểu, tiểu vàng, đỏ, tiểu ra máu, sỏi đường tiết niệu, viêm gan, mật... Từ mã đề có thể thu được các vị thuốc: bông mã đề, cụm hoa, hạt mã đề (xa tiền tử) có cùng tác dụng: lợi tiểu, lợi mật... Mặt khác, xa tiền tử còn chứa nhiều chất nhầy, có khả năng bao phủ các vết loét, nhất là ở dạ dày, tá tràng. Do vậy, vị thuốc này cũng như tịch chiết của lá tươi của nó được dùng để trị viêm loét dạ dày, tá tràng rất tốt. Các vị thuốc của mã đề có thể dùng dưới dạng nước sắc, ngày 10 - 16g. Trị sỏi tiết niệu, viêm nhiễm đường tiết niệu: mã đề, tỳ giải mỗi vị 20g, kim tiền thảo 40g, trạch tả uất kim, ngưu tất mỗi vị 12g, kê nội kim 8g. Sắc uống ngày 1 thang trước bữa ăn 1,5 - 2 giờ.

Mã đề nước còn gọi là Trạch tả (Plantago plantago- aquatica L. tên đồng danh Alisma orientalis Sam. Juzep.), họ Trạch tả (Alismataceae). Gọi là mã đề nước vì lá của cây trạch tả trông rất giống với lá của cây mã đề, song cây này lại mọc ở dưới ruộng nước. Y học cổ truyền dùng thân rễ của trạch tả được thu hái vào khoảng tháng 4 - 5 hàng năm để làm thuốc chữa các bệnh phù thũng, viêm thận, viêm bể thận, tiểu tiện khó khăn, đái ra máu với liều 6 - 9g/ngày, dạng thuốc sắc hoặc thuốc tán. Trị âm hư hỏa vượng, nóng bốc từng cơn, đau đầu hoa mắt, chóng mặt: trạch tả, mẫu đơn bì, bạch phục linh, hoài sơn mỗi vị 6g, sơn thù du 8g, thục địa 16g. Dùng dưới dạng thuốc sắc, ngày 1 thang hoặc thuốc hoàn, ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 12 - 16g.
GS.TS. Phạm Xuân Sinh

1 comment:

  1. kd biết lá mã đề và đã có lần được uống rất lâu rồi :)

    ReplyDelete